Hệ thống miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những tác động bên ngoài. Hệ thống miễn dịch còn non nớt làm cho bé hay bị ốm vặt. Vì vậy, cha mẹ bỏ túi ngay 11 nguyên tắc vàng sau đây để tăng cường sức đề kháng cho con yêu ngày càng khỏe mạnh mẹ nhé!
Mục lục
- 1. Sức đề kháng là gì?
- 2. 11 Nguyên tắc vàng tăng sức đề kháng cho bé
- Nguyên tắc 1. Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời
- Nguyên tắc 2. Tuân thủ lịch tiêm phòng
- Nguyên tắc 3. Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng
- Nguyên tắc 4. Đừng quên uống nước
- Nguyên tắc 5. Ngủ đủ giấc
- Nguyên tắc 6. Vui chơi ngoài trời
- Nguyên tắc 7. Bảo vệ sức khỏe đường ruột
- Nguyên tắc 8. Tạo thói quen vệ sinh sạch sẽ
- Nguyên tắc 9. Tránh xa khói thuốc, ô nhiễm
- Nguyên tắc 10. Giữ ấm cho cơ thể
- Nguyên tắc 11. Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh
- 3. Tổng kết
1. Sức đề kháng là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản, sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể như: vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng và các yếu tố từ môi trường khác. Sức đề kháng yếu cũng chính là lúc hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể lỏng lẻo, khiến các tác nhân này tấn công vào cơ thể bé, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh sinh sôi và phát triển.
2. 11 Nguyên tắc vàng tăng sức đề kháng cho bé
Sức đề kháng của con yêu sẽ ngày càng được tăng cường nếu cha mẹ tuân thủ theo đúng 11 nguyên tắc vàng sau đây.
Sữa non có trong sữa mẹ được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc xây dựng khả năng miễn dịch của trẻ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ thiết lập được hàng rào tối ưu chống lại các tác nhân xâm nhập gây hại. Theo nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên toàn thế giới đã chứng minh được rằng, những trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu có hệ thống miễn dịch phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn nên ít bị nhiễm trùng và xảy ra phản ứng dị ứng hơn những trẻ khác.
Ngoài ra, sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp cho bé phát triển tối đa về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Vì vậy cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời chính là cách để tăng sức đề kháng cho bé.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bao gồm 12 loại vaccine cho tất cả trẻ em Việt Nam. Cha mẹ nên bám sát lịch tiêm chủng vì đây là các tốt nhất giúp phòng bệnh cho bé. 3 lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine đem lại là: Phòng bệnh hiệu quả (đến 95% trẻ em sau khi được tiêm chủng có khả năng miễn dịch trước bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo) – Tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện – Chi phí tiêm thấp hơn nhiều so với việc điều trị.
Có thể thấy việc tiêm chủng cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế là vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ. Ngoài ra, cha mẹ có thể cân nhắc những mũi tiêm chủng dịch vụ tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của gia đình.
Chế độ ăn uống khoa học, đa dạng và cân đối góp phần xây dựng hàng rào sức đề kháng ngày một vững chắc. Bằng việc cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi sẽ giúp trẻ được bổ sung một lượng vitamin và khoáng chất tự nhiên đầy đủ mà không cần cho trẻ uống thêm các chế phẩm cung cấp vitamin nào khác.
- Các loại quả mọng, ớt chuông, bông cải xanh: giàu chất chống oxy hóa
- Trái cây họ cam quýt: chứa nhiều vitamin C, tăng cường sức đề kháng cho bé, nâng cao khả năng miễn dịch, xây dựng hàng rào vững chắc chống lại các bệnh nhiễm trùng
- Các loại rau xanh (rau bina, rau ngót,…): giàu chất sắt, hỗ trợ sản xuất các tế bào bạch cầu và kháng thể
- Các loại hạt, đậu, ngũ cốc: chứa các acid béo omega quan trọng
- Trứng: nguồn cung cấp protein dồi dào
- Thực phẩm chứa nhiều đường và đồ ăn vặt: nên hạn chế cho trẻ sử dụng
Nước đóng vai trò rất quan trọng: giúp các phản ứng trong cơ thể diễn ra một cách tốt nhất, giúp oxy hóa máu dễ dàng, giúp các tế bào hoạt động tối đa, đào thải các độc tố, tăng cường trao đổi chất ở não, lưu thông dịch não tủy.
Khi cơ thể thiếu hụt nước, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đó là lúc cơ thể đang mất cân bằng các chất, khả năng miễn dịch giảm, điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Cha mẹ hãy giữ cho trẻ có thói quen bổ sung nước hàng ngày, lượng nước phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ
Giấc ngủ là khoảng thời gian quan trọng cả ở người lớn và trẻ em, đó là lúc cơ thể được nghỉ ngơi và tự hồi phục. Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không sâu giấc sẽ khiến cho cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể bị suy yếu, khả năng tấn công lại vi khuẩn và các tế bào ung thư cũng giảm dần. Trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn, trung bình khoảng 10 – 14 giờ/ ngày. Một đứa trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ tràn đầy năng lượng, được trang bị tốt hơn để ngăn ngừa bệnh tật. Cha mẹ nên tạo cho con những thói quen sau:
- Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, kể cả cuối tuần
- Trước khi đi ngủ có thể cho trẻ tắm nước ấm, massage nhẹ nhàng cơ thể hoặc đọc sách cùng trẻ
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh
Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, cha mẹ hãy đưa con ra ngoài trời để có không khí trong lành và bổ sung vitamin D, tăng cường khả năng miễn dịch. Khuyến khích trẻ chơi đùa với vật nuôi, chạy chân trần trên cỏ và nếu có thể để con vấy bẩn một chút cũng không sao. Vì việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài và những vết bẩn này sẽ giúp cơ thể trẻ dần thích nghi, hình thành các kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Tiền đề cơ bản của một hệ miễn dịch vững chắc, ổn định là một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp trẻ hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tốt nhất. Mà trong đó, hệ tiêu hóa muốn làm việc tốt thì cần có một đường ruột khỏe mạnh. Các thực phẩm giàu probiotics giúp củng cố đường ruột, hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi, hạn chế sự tấn công của vi khuẩn gây hại trong cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ rằng, hãy thường xuyên cung cấp các thực phẩm giàu probiotics như sữa chua, bơ, đậu nành lên men,…. hoặc các chế phẩm men vi sinh.
» Xem thêm: 4 cơ chế của lợi khuẩn giúp nâng cao sức đề kháng ở trẻ nhỏ
Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sẽ giúp cho trẻ tránh được nhiều bệnh nhiễm trùng. Những thói quen đơn giản như: rửa tay sau khi chơi, trước và sau bữa ăn, sau khi đi vệ sinh cần được chú trọng. Theo các chuyên gia y tế, trên bàn tay mỗi người, kể cả người lớn và trẻ em có chứa hàng triệu vi sinh vật gây hại, là mầm mống nguy hiểm gây nên các bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, cúm, tay chân miệng,….
Vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên là phương pháp đơn giản và dễ thực hiện giúp cha mẹ bảo vệ con yêu tránh được nhiều rủi ro mắc bệnh.
Tác hại nguy hiểm của khói thuốc đã được biết rõ qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Các chất độc trong khói thuốc có thể tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh không chỉ ở trẻ em mà cả ở người lớn.
Do hệ thống miễn dịch và các cơ quan của trẻ chưa được hoàn thiện và phát triển như ở người lớn nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi tiếp xúc với khói thuốc và môi trường bị ô nhiễm. Theo thống kê, những trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc và ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ mắc các bệnh: hen suyễn, nhiễm trùng tai, viêm phế quản,.. và nguy hiểm nhất là đột tử. Cha mẹ cần giữ con tránh xa khỏi những nơi có nhiều khói thuốc và ô nhiễm để con có sức khỏe tốt nhất.
Môi trường lạnh và khô là điều kiện lý tưởng để virus cúm sinh sôi và phát triển. Giữ ấm thân nhiệt là cách để tránh cho con khỏi bị nhiễm lạnh và các tác nhân gây hại dễ dàng tấn công trẻ.
Mẹ nên mặc cho trẻ lớp áo trong cùng với chất liệu cotton để dễ thấm hút mồ hôi à giữ nhiệt độ ổn định cho cơ thể. Ngoài việc mặc quần áo ấm, mẹ cũng nên chú ý giữ ấm các bộ phận tay, chân, đầu, tai và cổ.
Chúng ta đều biết rằng, sử dụng thuốc kháng sinh sẽ cho tác dụng nhanh, giảm ngay lập tức các triệu chứng bệnh. Nhưng việc tự ý sử dụng thuốc của cha mẹ tại nhà là vô cùng nguy hiểm và chứa đầy rủi ro gây ra hiện tượng “nhờn thuốc”, kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh thường quét sạch vi khuẩn tốt cùng với vi khuẩn có hại làm cho khả năng miễn dịch của cơ thể giảm. Hãy nghe lời khuyên của bác sĩ nhi khoa trong việc sử dụng thuốc, đừng gây áp lực để họ kê đơn thuốc kháng sinh cho con.
3. Tổng kết
Cảm lạnh, ho, vết bầm tím, các vết cắt…. là những điều mà hầu hết mọi đứa trẻ đều sẽ trải qua trong tuổi thơ của mình. Để luôn là người bạn đồng hành tin cậy, bảo vệ và giúp con yêu có những trải nghiệm tuyệt vời nhất, cha mẹ hãy thường xuyên bổ sung những thực phẩm lành mạnh, duy trì những thói quen và luôn tạo môi trường sống trong lành xung quanh trẻ.
» Xem thêm: Nắm ngay 8 Yếu tố ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ
Mọi chi tiết thắc mắc liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn